Cách viết sơ yếu lý lịch xin việc (CV)

Bạn đang viết CV? Bạn không biết phải viết gì? Sau đây là thông tin về điểm khác biệt giữa sơ yếu lý lịch xin việc (CV) với sơ yếu lý lịch thông thường, giữa CV của Mỹ với CV quốc tế, đồng thời những hướng dẫn về cách trình bày và cách viết CV trong bộ đơn xin việc.

Sử dụng CV khi nào

Khi nào thì người tìm việc nên dùng CV hơn là sơ yếu lý lịch thông thường? Ở Mỹ, CV chủ yếu được dùng khi xin vào làm công việc về chuyên môn/ học thuật, giáo dục, khoa học, y học hoặc nghiên cứu. Nó cũng được dùng khi xin học bổng và trợ cấp.

Khi tìm việc ở Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi, hoặc Châu Á, nhà tuyển dụng ưu tiên CV hơn là sơ yếu lý lịch thông thường. Hãy nhớ rằng những nhà tuyển dụng nước ngoài thường muốn đọc phần thông tin cá nhân trong CV như ngày sinh, quốc tịch, tình trạng hôn nhân và nơi sinh, những thông tin không xuất hiện trong CV của Mỹ. Vì theo luật pháp của Mỹ, nhằm bảo vệ người dân nói chung, nhân viên, người xin việc nói riêng khỏi sự phân biệt đối xử trong mọi khía cạnh (chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, tuổi), trong CV, họ sẽ không cần cung cấp thông tin cá nhân liên quan các khía cạnh kể trên. Ngược lại, các quốc gia khác không áp dụng luật này.

Nên viết gì trong CV

Có nhiều khác biệt giữa CV và sơ yếu lý lịch thông thường. CV thường dài hơn (hai hoặc nhiều trang hơn), là một tóm tắt chi tiết hơn về lý lịch và kĩ năng của bạn. Và bạn cần viết CV khác nhau cho mỗi đơn xin việc khác nhau.

Giống như sơ yếu lý lịch thông thường, trong CV gồm tên của bạn, thông tin liên lạc, trình độ học vấn, kĩ năng, và kinh nghiệm. Bên cạnh những mục cơ bản này, khi viết CV, cần xem xét những thông tin khác phù hợp với từng vị trí cụ thể mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ như với ứng viên công việc về giảng dạy hoặc nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục sẽ cần cung cấp thông tin mục kinh nghiệm giảng dạy, đề tài nghiên cứu, những ấn phẩm xuất bản công trình của mình, bằng cấp, chứng nhận hoặc giải thưởng, và giấy phép chuyên môn.

Đầu tiên, hãy liệt kê tất cả thông tin lý lịch của bạn, sắp xếp chúng theo từng nhóm tiêu chí. Hãy đảm bảo rằng bạn cung cấp cả thời gian bạn đạt được từng thành quả trong danh sách đó.

Thông tin cá nhân trong CV quốc tế

– Quốc tịch

– Tình trạng hôn nhân

– Tuổi

– Số lượng con cái (kèm số tuổi nếu muốn cung cấp)

– Sở thích cá nhân

– Trình độ học vấn bao gồm cả phổ thông

– Ảnh chân dung (ảnh chụp CMND)

Ngày sinh trong CV

Một vài quốc gia ngoài Mỹ yêu cầu bạn cung cấp ngày sinh trong CV. Nếu bạn đang ứng tuyển công việc ở nước ngoài, hãy nghiên cứu những quy định cho đơn xin việc tại đất nước đó.

Nếu bạn ứng tuyển công việc ở Mỹ, vì luật chống phân biệt đối xử tuổi tác ở nước này, nhà tuyển dụng sẽ không yêu cầu bạn cung cấp ngày sinh trong CV.

Sắp xếp bố cục CV của bạn

Sau khi liệt kê thông tin bạn cần dùng, bạn nên sắp xếp lại chúng sao cho có thể làm nổi bật kinh nghiệm bạn có phù hợp với công việc bạn ứng tuyển. Sẽ mất nhiều thời gian hơn để sắp xếp bố cục cụ thể cho một CV, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng, đặc biệt là khi bạn đang ứng tuyển công việc hoàn toàn phù hợp với kĩ năng và kinh nghiệm của bạn.

– Liệt kê theo gạch đầu dòng, sử dụng động từ để thể hiện, kèm thành quả bạn đạt được.

– Hãy bắt đầu với một bản tóm tắt lý lịch chuyên nghiệp nhằm làm nổi bật những ưu điểm tốt nhất cho yếu tố một nhân viên tiềm năng của bạn.

– Trình bày những trình độ chuyên môn, kĩ năng, học vấn, kinh nghiệm đáp ứng đúng yêu cầu tuyển dụng.

– Sắp xếp cẩn thận trật tự các phần trong CV dựa theo những tiêu chí nhà tuyển dụng tìm kiếm. Ví dụ như, nếu bạn ứng tuyển vào trường đại học đang tìm kiếm giáo sư nghiên cứu thì bạn nên trình bày trước năng lực chuyên môn của bạn, rồi đến danh sách những tạp chí xuất bản nghiên cứu bạn thực hiện. Mặt khác, nếu khoa đó đánh giá cao năng lực giảng dạy, bạn nên trình bày kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn trước.

Tham khảo mẫu CV và bí quyết viết CV

Sẽ luôn có ích nếu bạn tham khảo một hoặc hai mẫu viết CV trước khi bắt tay vào việc. Những mẫu này là sách hướng dẫn hữu ích về cách viết, cách trình bày một CV.

Cách viết sơ yếu lý lịch

CSơ yếu lý lịch (CV) là công cụ quan trọng nhất khi xin việc. Dù có năng lực hay nhiều kinh nghiệm đến đâu, nếu trình bày hoặc viết CV không đạt yêu cầu, bạn sẽ khó tìm được việc, thậm chí là được chọn vào vòng phỏng vấn.

Dành thời gian viết CV cẩn thận rất quan trọng. Bài viết này sẽ cung cấp bí quyết và lời khuyên về cách viết CV hoàn hảo nhất có thể.

Mục đích của CV

CV là một công cụ chào hàng. Khi viết CV, cần làm nổi bật các điểm sau:

– Bạn có thể làm việc.

– Bạn đáp ứng được yêu cầu công việc và của nhà tuyển dụng.

– Bạn có trình độ và học vấn phù hợp.

– Bạn có kinh nghiệm và kĩ năng phù hợp.

– Bạn có năng lực chuyên môn phù hợp.

Độ dài của CV

Không có quy định cụ thể về độ dài của CV, tùy thuộc kinh nghiệm, học vấn của bạn. Hãy đảm bảo bạn không viết lan man trong CV của mình. Nếu CV chỉ có một trang, thì miễn là trình bày thật ấn tượng, sẽ đạt kết quả tốt hơn một CV dài tận hai trang đầy những thông tin thừa thải.

Bố cục trong CV

1. Thông tin liên lạc

2. Lời mở đầu

3. Những kĩ năng chính

4. Những kĩ năng về kĩ thuật/ phần mềm

5. Mô tả bản thân

6. Trình độ học vấn

7. Kinh nghiệm làm việc/ Hoạt động tình nguyện

8. Người tham khảo

Không phải lúc nào tất cả các mục trên đều phải có trong CV, cũng như trật tự có thể thay đổi tùy thuộc mỗi đơn xin việc.

Điều quan trọng là đặt thông tin hữu dụng nhất lên đầu. Ví dụ, nếu chuyên ngành của bạn không trực tiếp liên quan đến công việc, hãy đặt nó phía sau thông tin nào có liên quan đến công việc.

Có cần phải viết CV khác cho mỗi đơn xin việc?

Cần phải thiết kế từng CV cho riêng từng đơn xin việc để đáp ứng đúng yêu cầu tuyển dụng.

Không cần thay đổi quá nhiều, nhưng phải đảm bảo lời mở đầu, những kĩ năng chính và mô tả bản thân đáp ứng chính xác yêu cầu tuyển dụng, dựa theo quảng cáo việc làm (nếu có) và những gì bạn tra cứu về công việc.

CV nên bao gồm những gì

Thông tin liên lạc

Hãy đảm bảo là có tên của bạn, địa chỉ thư điện tử và số điện thoại cá nhân trong CV của bạn.

Lời mở đầu

Sơ lược bạn là ai, đã học/ làm việc ở đâu và vì sao chọn công việc này, sau đó, mô tả kĩ năng, kinh nghiệm của bạn phù hợp với công việc. Nên viết phần này dài khoảng sáu dòng và sử dụng ngôi xưng thứ nhất.

Điểm mạnh và kĩ năng chính

Liệt kê 10 – 15 kĩ năng liên kết với công việc đang ứng tuyển.

Nếu tìm thấy công việc này trên quảng cáo tuyển dụng, thì trong đó có thể cung cấp cho bạn một danh sách kĩ năng, kinh nghiệm “cần có” cho công việc, cũng như những điều nhà tuyển dụng “mong muốn”. Cần đáp ứng được càng nhiều những tiêu chí “cần có”, càng đúng với “mong muốn” càng tốt.

Hãy nghĩ về những điều bạn đã làm hoặc đã học như:

– công việc từng làm

– kiến thức từng học

– hoạt động tình nguyện từng tham gia

Những kĩ năng về kĩ thuật/ phần mềm

Là danh sách ngắn gọn tên những phần mềm hoặc máy móc bạn có thể dùng, như:

– phần mềm xử lý văn bản hoặc bảng tính

– ngôn ngữ lập trình

– máy tính tiền, chuyển tiền điện tử tại điểm bán hàng  (EFTPOS),…

Mô tả bản thân

Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, thì mô tả bản thân là một cách khác để thể hiện bạn là người phù hợp.

Có thể kể từ ba đến năm tính cách bản thân như bạn là người đáng tin cậy, trung thực, hoặc tiếp thu nhanh, nhưng đừng trùng lặp với những kĩ năng chính của bạn.

Trình độ học vấn

Chỉ cần thể hiện trình độ cao nhất, không cần nói kết quả học tập, trừ phi điều đó giúp chứng minh với nhà tuyển dụng bạn phù hợp với công việc.

Nên liệt kê theo gạch đầu dòng những thành quả trong học tập (giải thưởng đạt được, đội nhóm đã tham gia,…).

Kinh nghiệm làm việc

Hãy bắt đầu với công việc gần đây nhất rồi kể ngược thời gian lại. Chỉ nêu chức vụ và thời gian bạn làm ở mỗi công việc.

Nếu chưa từng đi làm, có thể kể những điều sau:

– Hoạt động từng làm khi ở trường

– Những đợt thực tập khi ở trường đại học hoặc trường nghề

– Hoạt động tình nguyện đã tham gia

Hãy cung cấp những thành quả đạt được, những đóng góp nổi bật của bạn cho tổ chức, phù hợp với điểm mạnh và kĩ năng chính mà bạn đã kể trong mục trước.

Người tham khảo

Liệt kê hai người có thể nhận xét tích cực về khả năng làm việc của bạn. Lí tưởng nhất là chọn đồng nghiệp cũ. Hãy cung cấp tên, chức vụ và cách liên lạc với họ.

Nhận xét

Là một cách khác chứng minh bạn là người nhà tuyển dụng tìm.

Có thể nhờ đồng nghiệp, thầy/ cô hoặc sếp cũ viết một đến hai lời nhận xét là đủ, nhiều hơn nữa sẽ quá thừa. Nên cung cấp thông tin của những người viết nhận xét trong cả phần người tham khảo.

Từ khóa

Nhiều nơi dùng phần mềm quét đơn xin việc để tìm từ khóa. Đơn xin việc không có từ khóa phù hợp sẽ mặc nhiên bị từ chối.

Từ khóa gồm tên thuộc những mục sau:

– Kĩ năng

– Nghề nghiệp

– Hoạt động

– Trình độ

– Phần mềm

– Công cụ

Để đảm bảo CV của bạn có từ khóa thích hợp, hãy chú ý từ hoặc cụm từ trong quảng cáo tuyển dụng của công việc, hoặc tham khảo những quảng cáo tuyển dụng cho công việc tương tự.

Khi đã có từ khóa, hãy sử dụng chúng trong các mục sau:

– Lời mở đầu

– Những kĩ năng chính

– Trình độ học vấn

– Kinh nghiệm làm việc

Không nên viết gì trong CV

Tùy trường hợp mà đưa những thông tin này vào CV sẽ có lợi hoặc có hại cho bạn.

Thông tin cá nhân

Không cần phải cung cấp mọi thông tin cá nhân trong CV, những thông tin có thể làm mờ đi yếu tố nhân viên tiềm năng của bạn.

Trong CV không cần có:

– Ngày sinh

– Giới tính

– Địa chỉ nhà

– Bệnh bẩm sinh hoặc khuyết tật

– Tình trạng sức khỏe

Trong một số ngoại lệ thì vài thông tin trên có thể hữu ích (như khi nhà tuyển dụng tìm ứng viên trẻ tuổi, hoặc ứng viên là nữ). Hãy xem xét đưa thông tin nào vào sẽ giúp nâng điểm cho đơn xin việc của bạn.

Lỗi chính tả và lỗi sai sự thật

Một CV đầy lỗi chính tả sẽ đảm bảo bạn bị loại ngay từ vòng gửi xe. Nên kiểm tra lỗi chính tả trong CV trước khi gửi đi, đồng thời nhờ ai đó kiểm tra hộ những lỗi bạn có thể bỏ sót.

Kiểm tra kĩ những thông tin bạn đưa ra trong CV. Nếu đề cập tên của công ty, nơi bạn từng làm, hãy chắc chắn bạn viết tên những nơi đó chính xác.

Hình ảnh

Đừng chèn hình ảnh vào CV. Chúng có thể gây phản cảm với nhà tuyển dụng và bộ phận nhân sự, mà còn làm phần mềm tuyển dụng bị lỗi.

Trình bày

Hãy dùng kiểu chữ và cách trình bày không rối mắt. Việc này giúp nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá CV của bạn, và các phần mềm tuyển dụng không gặp khó khăn khi đọc thông tin của bạn. Nên dùng những phong chữ sau:

– Verdana

– Arial

– Century gothic

– Calibri

Bảng biểu

Trình bày thông tin theo bảng biểu để dễ dàng bố trí nội dung, nhưng một vài phần mềm tuyển dụng lại không đọc được các bảng này. CV của bạn nên trình bày theo dòng hoặc cột dọc đơn giản.

CV lưu ở dạng PDF

Vì vài phần mềm tuyển dụng không đọc được, nên trừ phi tin tuyển dụng yêu cầu nộp CV lưu dạng .pdf, còn không thì bạn nên lưu dạng .doc hoặc .docx.